Nhà thờ họ Hoàng Đức ở Thượng Nghĩa

Làng Thượng Nghĩa-Nhà thờ họ Hoàng Đức nằm ở rìa làng Thượng Nghĩa (khu phố 4), phường Đông Giang, thị xã Đông Hà.
họ hoàng đức quảng trị

Nhà thờ họ Hoàng Đức là công trình được xây dựng dùng làm nơi thờ thuỷ tổ dòng họ và các vị thần linh và thờ cúng tổ tiên; nơi tổ chức các hoạt động cúng tế, hội họp của thành viên họ tộc Hoàng Đức trong các dịp giỗ, chạp, các dịp sóc vọng...
Nhà thờ được xây dựng trong khoảng đầu thế kỷ XVIII, theo quy cách kiến trúc của một ngôi nhà Rường 3 gian, 2 chái; bên cạnh có một nhà tăng. Phía trước có nghi môn, bên trên có gác vọng lâu xây bằng gạch. Khuôn viên rộng chừng 3.000m2, mặt tiền được bao bọc bởi hệ thống tường thành xây bằng các viên xỉ sắt được lấy từ các lò rèn trong làng, kết hợp với gạch và đá.
Năm 1954, nhà thờ bị giặc Pháp đốt cháy hoàn toàn. Sau năm 1954, nhà thờ được dựng lại cũng theo quy cách cũ nhưng hẹp hơn, với một ngôi nhà Rường 1 gian, 2 chái. Năm 1968, bị bom đạn làm hư** hại một phần. Đến năm 1972 thì bị bom đánh sập. Năm 1987 nhà thờ được dựng lại như hiện trạng ngày nay; năm 1991, sửa lại nghi môn.
Trong những ngày sục sôi của khí thế Cách mạng tháng Tám, Thượng Nghĩa là một làng đã hình thành đội “Tự vệ bí mật” có trang bị vũ khí và được luyện tập để làm nòng cốt cho lực lượng cách mạng. Từ giữa tháng 8/1945, trong khuôn viên nhà thờ họ Hoàng Đức là nơi lực lượng thanh niên trong làng tập trung huấn luyện và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám trên địa bàn Đông Hà.
Tháng 11/1945, được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Quảng Trị, các huyện, thị trong tỉnh tiến hành hiệp xã, bãi bỏ cấp tổng, sát nhập nhiều thôn lại với nhau thành những xã lớn. Toàn bộ địa bàn Đông Hà lúc này có 7 xã và một thị trấn (gồm: Cam Ninh, Cam Đình, Cam Tường, Cam Hà, Từ Hiệp, Lập Phúc, Đại Phước và thị trấn Đông Hà). Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời đổi thành Uỷ ban Hành chính. Trên địa bàn thuộc phường Đông Giang và xã Cam An (huyện Cam Lộ) hiện nay, lúc bấy giờ thuộc các xã: Cam Ninh, Cam Đình và Cam Giang. Cùng với việc củng cố hệ thống chính quyền các cấp, tổ chức Đảng ở các địa phương cũng được xây dựng và phát triển.
ở các xã phía bắc sông Hiếu như Cam Ninh, Cam Đình, Cam An, sau Cách mạng Tháng Tám vẫn chưa có Chi bộ Đảng. Khoảng tháng 9/1945, Lê Xuyến - Huyện uỷ viên Cam Lộ được phân công về xây dựng cơ sở Đảng ở các xã này. Tại đây, Lê Xuyến đã tuyên truyền, giác ngộ cho một số quần chúng tốt như Lê Thừa, Hoàng Hí, Nguyễn Thiệu, Hoàng Ngọc Thiềm... và kết nạp họ vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ngày 2/10/1945, tại nhà thờ họ Hoàng Đức, Chi bộ Đảng của hai xã Cam Ninh, Cam Đình được chính thức thành lập. Chi bộ gồm 3 người: Lê Thừa, Hoàng Hí, Nguyễn Thiệu, do Nguyễn Thiệu làm Bí thư. Đây được coi là Chi bộ Cộng sản đầu tiên của phường Đông Giang và xã Cam An ngày nay. 
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà thờ là nơi hội họp, che dấu cán bộ, du kích và bộ đội địa phương hoạt động. Chính nơi đây, trong phong trào “tố cộng, diệt cộng” năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã từng sử dụng làm điểm tập trung nhân dân để tiến hành các đợt thanh lọc và dụ dỗ, tra tấn và giam giữ các chiến sĩ Cộng sản và những người theo cách mạng; trong đó có Mai Chiếm Cương.
Năm 1968, nhà thờ Họ Hoàng Đức cũng là một điểm chốt quan trọng của du kích địa phương và bộ đội chủ lực Sông Dinh trong trận chiến đấu ác liệt chống laị cuộc càn quyết của quân đội Mỹ - nguỵ vào làng Thượng Nghĩa. 
Nhà thờ hiện tại được xây bằng gạch, xi măng, lợp ngói, theo kiểu nhà xông, quy mô nhỏ bé (chừng 20m2). Khuôn viên nhà thờ đã bị thu hẹp vì một phần diện tích đất đai nhà thờ đã trở thành đất thổ cư của 2 hộ gia đình. Dấu vết xưa cũ chỉ còn lại nghi môn cùng một số mảng tường thành được xây bằng xỉ sắt và gạch đá ở phía trước (cao 1 - 1,4m, dày 20 - 30cm).
Tháng 5/2006, Phòng VHTT đã cùng với chính quyền địa phương tổ chức dựng bia biển bên cạnh nghi môn để ghi dấu những sự kiện lịch sử về di tích này
Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả hoặc tổng hợp từ các nguồn tin tức đã được dẫn chiếu trong bài viết. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc sử dụng dịch vụ Thừa phát lại, xin vui lòng liên hệ theo SĐT 0357 133 132 hoặc email "blogthuaphatlai@gmail.com". Xin cảm ơn!

Liên hệ

Name

Email *

Message *