Nhà văn hóa, điểm sinh hoạt của làng

Làng Thượng Nghĩa - Gọi là nhà văn hóa nhưng mà tên gọi này mới được sử dụng sau này. Trong ký ức của tác giả, nhà văn hóa ngày xưa được gọi là nhà Đội, rồi nhà mẫu giáo. Nền của nhà Đội hồi đó bằng đất, bên trái là vườn tràm và ao cho trâu mẹp (phía nhà o Bé – chỗ sân bóng chuyền bây giờ); phía sau là ao nuôi cá, cạn thì trồng rau muống (chỗ sát nhà mụ Môn).
Gọi là nhà Đội chắc do ngày xưa vẫn còn phong trào hợp tác xã nông nghiệp, căn nhà này là nơi hội họp của Đội hợp tác của thôn. Tôi vẫn còn nhớ như in, mỗi lần xong mùa gặt là các gia đình phải chở lúa ra nhà Đội đóng cho hợp tác xã. Ngày đó có vẻ như thuế đất, thuế nông nghiệp không đóng bằng tiền mà cũng có thể là dân ta không có tiền để đóng. Cảnh người người, nhà nhà kéo xe bò đi đóng thuế là tôi liên tưởng đến thời thuế sưu, thuế đất phong kiến trong các tác phẩm văn học, phim truyền hình cũ (mặc dù bản chất là khác nhau).

Sau này, nhà Đội còn được sử dụng làm nơi dạy trẻ mẫu giáo của làng nên một thời gian được gọi là nhà mẫu giáo. Tôi cũng từng đi học mẫu giáo ở đây, cô giáo là cô Hương (vợ của chú Phước – nhà đầu tiên của kiệt Cầu Ván). Thời đó, nếu không ra sân cồn đá bóng thì trẻ con trong làng thường đá bóng ở sân nhà mẫu giáo mặc dù là thôn không cho đá vì sẽ hư cây và hư ngói của nhà văn hóa. Hồi đó, giữa sân nhà văn hóa có trồng 2 cây sứ được rào bằng 2 hàng rào tre vòng tròn. Nếu đá bóng là hư hết cây, ngoài ra, nếu bóng mà lên trên mái nhà mẫu giáo thì trèo lên vỡ ngói. Bác Đấu (nhà sát nhà văn hóa) là người làm trưởng thôn thuộc loại lâu nhất mà tôi được biết vẫn thường cầm roi rượt chúng tôi chạy dài vì cứ chiều đến là đá bóng ở đấy. Nhà mẫu giáo cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động vui chơi khác của làng, ví dụ như trẻ con chơi bi, chơi vụ, người lớn chơi kéo co, đá gà dịp tết; trưa nắng thì mọi người ra mắc võng dưới hàng tràm để ngủ cho mát. Ở đó còn có một cái xà đơn bằng sắt đóng vào giữa thân 2 cây tràm để mọi người tập thể dục (theo trí nhớ thì do Bác Thắng nhà ông Sạn làm). Ở đó cũng là nơi xảy ra vụ vờn nhau đình đám giữa chú Vĩnh (nhà ông Điệt) và chú Thành (vẫn gọi là chú Đại Hàn nhà ông Thắng). Nói chung, nhà Đội hay nhà mẫu giáo là nơi diễn ra nhiều câu chuyện sinh hoạt của làng, đó là những ký ức rất đẹp của một thời cuộc sống còn khó khăn.
Bây giờ, cái tên nhà Đội, nhà văn hóa của làng đã trôi vào dĩ vãng. Có chăng, chỉ có một vài người con tha hương lâu lâu về làng mới buộc miệng gọi, quá khứ chợt thoáng hiện về; người lớn nghe đến thì cảm thấy tiếc nuối điều gì đó, trẻ con thì thấy lạ lẫm. Thay vào đó, địa chỉ này được gọi thành nhà văn hóa khu phố. Nhà văn hóa đã được xây dựng lại rất khang trang và đẹp bởi một phần tiền đóng góp của bà con và nhớ không nhầm thì có phần tiền của một đoàn cựu binh Hải quân ở ngoài Bắc tài trợ. Các cây tràm được chặt hết, hồ ao xung quanh được san lấp; nền sân đất đã không còn mà thay bằng nền sân láng bê tông, cây sứ hồi xưa được thay bằng cây mưng. Nhà văn hóa vẫn là một nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng của khu phố; buổi chiều trẻ em đá bóng mà không lo bị trưởng thôn la mắng, lâu lâu thanh niên lại có độ đánh bóng chuyền. Ngoài ra, khu phố còn cho thuê mặt bằng ở đây để bà con tổ chức đám cưới, đám tiệc (tiền thuê chỉ lấy tượng trưng khoảng 1 triệu để vào quỹ của làng).
Dưới đây là một vài hình ảnh của trận đánh bóng chuyền Tết giữa xóm trong và xóm ngoài tranh cúp 7Up diễn ra tại sân nhà văn hóa vào Tết năm 2017:
































Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả hoặc tổng hợp từ các nguồn tin tức đã được dẫn chiếu trong bài viết. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc sử dụng dịch vụ Thừa phát lại, xin vui lòng liên hệ theo SĐT 0357 133 132 hoặc email "blogthuaphatlai@gmail.com". Xin cảm ơn!

Liên hệ

Name

Email *

Message *